Thật tình cờ, trong những ngày đầu tháng 5 năm 2012, khi nhận lời cộng tác với “Vietnam Film Club” thực hiện cuốn phim tài liệu “Hồn Việt - Quốc Kỳ, Quốc Ca Việt Nam”, tôi bắt được liên lạc với anh Lê Văn Khoa, người bạn thân khá đặc biệt trong số những bạn thân của tôi ngày trước.
Sau lần liên lạc đầu tiên qua e-mail với anh Khoa, bỗng dưng tôi nhớ lại thời anh Lê Văn Khoa phụ trách chương trình “Thế Giới Của Trẻ Em” trên đài Truyền Hình Số 9 tại Sài Gòn. Xin gợi lại câu chuyện gần nửa thế kỷ trước.
Đài Truyền Hình Sài Gòn thành lập khá vội vàng hồi tháng 2 năm 1966, vì chưa chuẩn bị kịp cơ sở nên tạm sử dụng phi cơ để phát hình. Theo ghi chép trong sổ tay mà tôi còn lưu giữ, thuở ấy phi cơ bay vòng vòng trên không phận Sài Gòn ở độ cao 5.000 thước, phát hình xuống một vùng có đường kính trên dưới 150 cây số, từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30 mỗi tối, nghĩa là chỉ một tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Cuối năm 1966, cơ sở đài truyền hình xây cất xong tại góc đường Hồng Thập Tự với đường Cường Để, và chánh thức phát hình suốt ngày trên băng tần số 9, vì vậy mà người dân Sài Gòn gọi là “Đài Số 9”.
Ca sĩ Quỳnh Giao đàn dương cầm tại Truyền Hình Việt Nam Đài Số 9
Trong thời gian này còn có đài truyền hình của Quân Đội Hoa Kỳ. Ngoài tin tức thời sự Việt Nam và ngoại quốc nhất là Hoa Kỳ, vì dành cho quân nhân Hoa Kỳ và đồng minh, còn có nhiều phim về cảnh trí thiên nhiên, thú vật hoang dã, các loại phim tài liệu khác, và những phim truyện sản xuất từ thời trước và trong Thế Chiến II. Loại phim này thường chiếu từ 10 giờ 30 tối vào các ngày lẻ trong tuần (thứ 3, 5, 7), hấp dẫn hơn đài Truyền Hình Số 9 chúng ta còn trong thời kỳ phôi thai.
Tôi không nhớ anh Khoa phụ trách chương trình “Thế Giới Của Trẻ Em” từ lúc nào, mà chỉ nhớ vào đầu tháng 4/1969, có anh bạn cùng phục vụ trong Bộ Tổng Tham Mưu nói với tôi rằng, anh Khoa không có phương tiện để đưa đón các cháu từ nhà đưa đến đài truyền hình, và sau khi thu hình xong thì đưa các cháu về nhà. Nói xong, anh ấy hỏi tôi: “Tôi biết Anh thích hoạt động xã hội, anh có thể tiếp tay với ảnh được hông?” ...
Cuối tuần đó, tôi tìm đến nhà anh Lê Văn Khoa. Xem lại địa chỉ mà anh bạn cho tôi thì đúng, nhưng đây không phải là nhà riêng, mà là nhà in của giáo hội Tin Lành ở “sát góc mũi tàu” do đường Võ Di Nguy với đường Võ Tánh “nắm tay nhau” tại đường Chi Lăng phía Phú Nhuận. Xóm này khá vắng vẻ. Cửa nhà in đóng kín. Đang đứng lóng ngóng chờ có người để hỏi thăm, thì anh Khoa lái chiếc Vespa dừng lại. Mở cửa. Tôi bước đến ngay:
“Chào anh Khoa. Tôi thấy Anh trên truyền hình, nhưng Anh không biết tôi đâu. Tôi tên Phạm Bá Hoa, một trong những người hâm mộ Anh...”
Chưa kịp nói thêm thì anh Khoa lên tiếng: “Cám ơn Anh”.
Tôi vào đề luôn: “Tôi nghe nói Anh gặp khó khăn trong việc đưa đón các cháu trong chương trình của Anh, nên tôi muốn tiếp tay với Anh có được hông?”
Vừa dẫn xe vào cửa, vừa nói với giọng vui vẻ: “Được chớ”.
Anh ngập ngừng một lúc: “Nhưng mà nhà Anh ở đâu, có tiện hông?”
“Nhà tôi gần “Ngã Ba Ông Tạ”, nhưng không trở ngại gì đâu. Tham gia chương trình của Anh có mấy cháu vậy Anh?. Tôi hỏi để có ý niệm về việc mà tôi tiếp tay với Anh thôi mà”.
“Tất cả là 8 cháu nhưng có 2 cháu do gia đình đưa tới, mà phần lớn ở vùng Tân Định với Đa Kao”.
Ngưng một chút, Anh nói tiếp: “Thật ra cách tuần mới thu hình một lần vào ngày chủ nhật, từ 2 giờ trưa đến 6 giờ chiều”.
“Có nghĩa là mình đưa các cháu đến đài truyền hình khoảng 1 giờ 30, và sau 6 giờ đưa các cháu về. Biết rõ giờ giấc như vậy dễ dàng cho tôi thu xếp chuyên chở. Nhưng lần đầu tiên Anh phải hướng dẫn tôi đến từng nhà, rồi giới thiệu tôi với cha mẹ các cháu à nghe”.
“Chủ nhật tuần sau là thu hình, Anh bắt đầu giúp tôi được hông?”
“Được. Tôi lái 1 xe, còn chiếc thứ 2 thì tôi nhờ chú tài xế. Hai xe chở 6 cháu dễ dàng thôi. Theo Anh thì đến đón cháu thứ nhất lúc 12 giờ 30, liệu có kịp hông Anh? Hay là lần đầu tiên nên đón lúc 12 giờ trưa cho chắc, sau đó tôi tính lại về thời gian hợp lý hơn?”
Sau khi hẹn giờ và địa điểm, chúng tôi siết chặt tay nhau.
Lần đầu tiên đưa đón các cháu có chút lúng túng vì phải chạy trên đường cũ đến hai lần, mà lẽ ra phải sắp xếp chương trình để đi một vòng rồi chạy thẳng đến đài truyền hình mới hợp lý.
Sau lần thu hình đầu tiên, vợ chồng tôi mời anh Lê Văn Khoa đến nhà dùng cơm để có dịp tâm tình nhau, vì có hiểu được nhau thì sự cộng tác gần gũi nhau hơn. Anh Khoa nhìn thấy hai con chúng tôi, liền rủ tôi cho hai cháu tham gia chương trình.
Lúc ấy, con trai lớn chúng tôi 10 tuổi, và con gái 8 tuổi. Khi vợ tôi hỏi ý kiến thì hai cháu gật đầu, và hai con chúng tôi tham gia chương trình “Thế Giới Của Trẻ Em” từ ngày 22/4/1969. Hai con chúng tôi rất thích, vì được trực tiếp tham gia những trò chơi vừa vui vừa lạ.
Dần dần theo thời gian, tình bạn giữa anh Lê Văn Khoa với vợ chồng tôi trở nên thân nhau, khi chúng tôi hiểu được quan niệm sống của anh Khoa qua việc làm của Anh mà thuở ấy hiếm có người như vậy. Anh chỉ một thân một mình, ở ngay trong nhà in của giáo hội Tin Lành.
Một hôm, Anh dẫn tôi lên lầu, giường ngủ của Anh là một khoảnh nhỏ trải những tờ giấy trắng ngay trên sàn nhà, chung quanh toàn là dụng cụ và vật dụng của nhà in cùng với những chồng sách sát vách, ngoài ra không thấy “tài sản” gì của Anh khả dĩ gọi là đáng giá cả. Thường khi gặp Anh, vẫn chiếc quân tây dài, cái áo sơ-mi, cái kiến trắng, đôi giày như sắp hả miệng, với chiếc xe Vespa cũ kỹ.
Bất cứ ai nhìn Anh từ bên ngoài, chắc cũng nghĩ “Anh Khoa là người rất cô đơn”, nhưng dưới nét nhìn của tôi thì khác. Anh Khoa là con người có quan niệm sống rất mạnh mẽ, với tấm lòng rộng mở. Anh sống cho tha nhân, và gần là những đứa bé đánh giày nghèo khổ, thậm chí là những trẻ mồ côi lang thang trên đường phố.
Mỗi khi vào Chợ Lớn, Anh đều ghé nhà vợ chồng tôi. Có lần đang uống nước sau bữa ăn, vợ tôi vừa nói vừa cười: “Anh Khoa ơi! Sao Anh hổng đề dành tiền mua chiếc xe khá hơn một chút, chiếc này cũ quá nó hư giữa đường Anh làm sao?
Tôi chen vào: “Nói thiệt nghe, chiếc xe của Anh cũ đến mức nếu Anh để quên ngoài đường cũng hổng ai lấy đâu”.
Sở dĩ vợ tôi nói như vậy, vì chúng tôi được biết mỗi lần Anh có tiền (có thể là do cộng tác với "Đài Số 9") thì Anh đem vào Chợ Lớn giúp cho các em đánh giày hết trơn. Khi được chúng tôi hỏi số tiền đó Anh làm gì cho các em đánh giày thì Anh nói, mua thức ăn cho chúng nó ăn, mua giấy viết dạy chúng nó học, mua xi-ra cho chúng nó đánh giày kiếm tiền, đôi khi mua cái quần cái áo cho chúng nó mặc....
Anh Khoa thân,
Do hâm mộ Anh từ 45 năm trước, đến hôm nay vẫn vậy nếu không nói là hâm mộ Anh hơn, vì trong hoàn cảnh sống xa quê hương đến nửa vòng trái đất, mà Anh đã tạo cho mình một vị trí thật vững vàng trong lãnh vực nhiếp ảnh và âm nhạc tại hải ngoại.
Đặc biệt là bản Quốc Thiều Việt Nam Cộng Hòa, do Anh soạn hoà âm phối khí và được trình diễn bởi ban nhạc Ukraine trong phim tài liệu “Hồn Việt - Quốc Kỳ Quốc Ca Việt Nam”, với hơn 60 nhạc công từng bị xiềng xích dưới chế độ cộng sản độc tài tàn bạo, đã gói ghém tâm hồn của họ vào âm thanh tự do bay bổng khắp nơi, lan toả trong Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản nói chung, và “Những Người Cựu Quân Nhân Chúng Tôi” nói riêng.
***
Phạm Bá Hoa
Cựu Đại Tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Houston 01.2013
Comments