top of page

Welcome to our Blog

  • Writer's pictureVFC

PV Bác Sĩ Nguyễn Thị Nhuận

Updated: Mar 10, 2018

Tôi là một bác sĩ chuyên môn về y khoa, nhưng là một người rất thích học nhạc và rất mê hát. Tôi cũng thích viết và thích đọc sách. Nhờ những hoạt động như vậy mà tôi có dịp được làm việc với GS Lê Văn Khoa - tới nay đã gần 30 năm.


Hồi học trung học tôi có đi hát du ca - có dịp hát với nhạc sĩ Vũ Đức Quang, rồi cũng có tham gia ca đoàn Trùng Dương để hát hợp xướng. Đó là những kỷ niệm tôi rất trân quý. Nên đến lúc cuộc sống ổn định rồi tôi nghĩ tại sao mình không làm lại những chuyện đó để có dịp sống lại cái thời xưa của mình, hơn nữa là mình cũng có thể đóng góp chút gì cho nền âm nhạc Việt Nam ở đây. Phải nói về đơn ca người Việt mình rất phát triển nhưng về hợp ca, hoặc về nhạc hòa tấu, nhạc giao hưởng thì mình chưa có nhiều lắm, nếu không muốn nói là không có gì cả. Do đó - cách nay 29 năm - chúng tôi thành lập ban hợp xướng Ngàn Khơi.

Bác Sĩ Nguyễn Thị Nhuận, California, USA


Ngàn Khơi quy tụ được khá nhiều người và có được nhạc trưởng là Trần Trúc. Anh Trần Trúc đã cộng tác với anh Khoa từ lâu lắm rồi và cũng từng tổ chức những buổi nhạc hòa tấu hợp xướng với anh Lê Văn Khoa.


Nhưng anh Lê Văn Khoa là một người đóng góp chính với ban hợp xướng Ngàn Khơi, dù anh không có thời giờ để sinh hoạt đều đặn. Vì nếu không có Lê Văn Khoa thì cũng khó có Ngàn Khơi lắm. Cũng cần nhắc lại rằng trình diễn hợp xướng của người Việt Nam mình rất sơ khai, mình không có truyền thống hợp xướng, cũng không có truyền thống nhạc giao hưởng lâu đời như là những nước Âu Châu.


Ca đoàn Trùng Dương trước năm 1975 cũng có một số anh viết hòa âm, như nhạc trưởng Trần Văn Tín, Hồ Đăng Tín và một vài người khác. Nhưng mà qua bên đây thì hầu như không còn ai biết viết hòa âm. Nếu không có Lê Văn Khoa viết hòa âm thì có lẽ mình cũng khó mà hát hợp xướng. Thêm vào đó, anh Khoa là người chủ trương các chương trình nhạc hợp xướng và hòa tấu, nhạc đại hòa tấu, tức là nguyên một dàn nhạc lớn cộng thêm hợp xướng nữa.


Đến năm 1990 thì ban Ngàn Khơi đã tổ chức một cái buổi hòa nhạc đầu tiên cộng tác với Lê Văn Khoa có tên "Việt Nam Quê Hương Mến Yêu."


Phải nói đó là một buổi nhạc thành công và được mọi người rất thích, mặc dù hợp xướng với hòa tấu còn khá xa lạ đối với người Việt Nam phải không, nhưng mà không phải như vậy đâu, người ta đi coi show đó người ta lại rất thích những bài hợp xướng với dàn nhạc. Và một điều anh Khoa rất hay là anh dám làm hết mọi chuyện để đạt đến một mức độ nghệ thuật nào đó mà anh muốn.


Lúc đó ban Ngàn Khơi thì cũng mới ra thôi nên cũng đâu có tiền gì nhiều mà dám tổ chức một buổi nhạc, một dàn nhạc giao hưởng, 60 nhạc sĩ, mà toàn là nhạc sĩ Mỹ. Đó còn là Plummer Auditorium - một rạp hát lớn chứa được 1,500 người. Có thể nói đó là buổi hòa nhạc đầu tiên của cộng đồng Việt Nam. Người ta rất thích. Phần thưởng về tài chánh thì không bao nhiêu, nhưng đó chính là... Lê Văn Khoa. Lê Văn Khoa làm mọi thứ chỉ để phục vụ nghệ thuật !


Điểm hay khác của Lê Văn Khoa đó là tinh thần dân tộc. Tôi phải nói thẳng ra anh Khoa là người chống cộng và muốn đưa dân tộc lên, dân tộc là số một, dân Việt Nam là số một. Và chống cộng là vì cộng (sản) không coi người Việt Nam là gì cả. Mình là người Việt Nam, mình phải đưa nhạc Việt Nam lên. Mình làm nhạc phải có một cái gì của dân tộc trong đó.


Đó là sự đóng góp của Lê Văn Khoa trong lãnh vực âm nhạc.


Đối với người dân mình, loại âm nhạc của Lê Văn Khoa có thể nói là hơi xa lạ với họ,Tôi có lần coi phim Moonstruck. Trong đó có một người chỉ là thợ làm bánh mì, nhưng suốt ngày anh mở radio anh nghe nhạc Opera. Anh ta còn hát theo bài Aria trong vở Opera nữa.


Tại sao người thợ làm bánh mì mà có thể thưởng thức những bản nhạc cổ điển như nhạc Opera?


Là tại vì họ được tiếp xúc với những nhạc đó. Suốt ngày họ chỉ được nghe nhạc Opera, chỉ nghe nhạc giao hưởng, thành ra đối với họ cái đó không có gì gọi là cao xa hay khó hiểu, mà họ thưởng thức được một cách tự nhiên.


Thành ra người Việt mình cũng vậy. Nếu mình đừng cho đó là nhạc Opera, nhạc "Tây" mình không cần biết tới. Nếu mình được tiếp xúc với những nhạc hơi khó hơn, lạ hơn một chút. Nếu mình tiếp xúc với loại nhạc này hằng ngày thì từ từ mình sẽ thưởng thức được hơn.

Lấy thí dụ chính bản thân tôi. Tôi nhớ khi tôi 12, 13 tuổi, tất cả các bài nhạc loại "Bolero" là tôi thuộc hết. Đó là nhạc mà tôi được nghe đầu tiên nên rất mê. Bây giờ nếu bảo hát bài Bolero, tôi sẽ hát ngon lành. Nhưng sau đó từ từ tôi nghe thêm những loại nhạc khác nữa thì tôi bắt đầu mở rộng sở thích hơn .


Như hồi xưa tôi 14, 15 tuổi mà biểu nghe Opera là tôi cũng sợ lắm, hát cái gì mà nghe eo éo kinh quá! Cho đến khi được tiếp xúc nhiều, nghe nhiều và bắt đầu hiểu nhiều hơn. Rồi tôi bắt đầu học hát, biết cách hát Opera là như thế nào. Tới lúc đó tôi mới thưởng thức được. Nên mới có chữ tiếng Anh là “music appreciation” - phải hiểu rồi mới thưởng thức được.


Thành ra, cái cách để phổ biến nhạc của Lê Văn Khoa là phải phải cho dân mình tiếp xúc nhiều với loại nhạc đó. Và tôi nghĩ anh Lê Văn Khoa đã đi đúng đường mặc dù anh không có nhiều tiền - Tại vì anh không bao giờ nghĩ đến chuyện kiếm tiền.

Anh không có nhiều tiền nhưng mà anh vẫn ra được rất là nhiều CD nhạc giao hưởng. Và anh cũng đã có dịp đi qua tận Ukraine để thu, dùng những người nhạc công giỏi của Ukraine để thâu những bài nhạc giao hưởng của anh. Những bài dân ca Việt Nam của anh đã làm cho người ngoại quốc phải ngưỡng mộ nhạc dân gian của mình.


Phải nói suốt cuộc đời của anh Khoa đã theo đuổi điều đó. Anh soạn nhạc giao hưởng, anh hợp tác với Ngàn Khơi để làm nên chương trình nhạc hòa tấu hợp xướng và anh làm những cuốn CD về nhạc giao hưởng mục đích là để phổ biến cho mọi người nghe. Nhưng mà cũng là con đường khó đi chứ không dễ.


Những nhạc sĩ viết hòa âm cho những ca khúc của Ngàn Khơi gồm có, dĩ nhiên, Lê Văn Khoa, nhạc sĩ Trần Trúc, và một người khác là nhạc sĩ Hồ Đăng Tiến. Hồ Đăng Tiến còn ở Việt Nam, và một vài nhạc sĩ khác nữa như Nguyễn Ngọc Quang. Anh Trần Trúc và anh Khoa thường xử dụng lối hòa âm theo Ngũ Cung để làm nổi bật nét nhạc Việt Nam. Đó là tôi nghe mấy ông ấy nói thôi, thật sự đối với tôi, kiến thức âm nhạc chưa tới mức để nói chuyện về ngũ cung.


Ban hợp xướng Ngàn Khơi được thành lập 1989. Tới nay là được 29 tuổi rồi!


***

Nguyễn Thị Nhuận

California 06.2017

Cựu Bác Sĩ Nhi Khoa - Chủ Nhiệm Nhật Báo Viễn Đông USA


Se Chỉ Luồn Kim - Tứ Ca Ngàn Khơi - Hòa âm Lê Văn Khoa


Việt Nam! Việt Nam! (Phạm Duy) - Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi Nhạc Trưởng Trần Chúc - Hòa âm Lê Văn Khoa

60 views
bottom of page