top of page

Welcome to our Blog

  • Writer's pictureVFC

PV Giáo Sư Lyudmila Chychuk

Updated: Feb 24, 2018

Tôi hân hạnh được gặp một nhà soạn nhạc Việt Nam, ông Lê Văn Khoa, và tôi đã cộng tác với ông trong nhiều năm. Chúng tôi đã cùng thu thanh một số CD, trong đó có một CD piano.


Giáo Sư Nhạc Sĩ Lyudmila Chychuk (Людмила Чичук)

Đây, tôi cho bạn thấy CD Lê Văn Khoa đã phát hành, trong đó có 7 bản nhạc trình diễn bằng đàn piano. Tại sao CD này làm tôi thích thú?

Bởi vì trong đó những bản nhạc không theo âm điệu Tây Phương thông thường mà là theo Ngũ Cung. Ngũ cung là một âm điệu truyền thống của người Việt Nam.


Thành thật mà nói, tôi đã từng nghe dân ca Trung Quốc và Việt Nam trên truyền hình, nhưng tôi chưa bao giờ nghe những bản nhạc như vậy viết cho piano. Thật là điều hết sức thú vị!


Như mọi nhạc sĩ khi lựa chọn tác phẩm, tôi muốn chọn những bản nhạc mà khán giả của tôi yêu thích. Tôi cố gắng thêm vào những điều mới lạ, những điều họ chưa từng nghe trước đây. Không phải luôn luôn, nhưng chủ yếu tôi chọn nhạc cổ điển, sau đó là nhạc lãng mạn và nhạc hiện đại.


Đây là CD mà Lê Văn Khoa và tôi đã phát hành. Theo tôi biết những CD này đã được phát hành cả ở Mỹ và ở Ukraine. Tôi đã giới thiệu những CD này cho mọi người để họ cũng khám phá âm nhạc tuyệt vời của châu Á, của phương Đông. Đó quả thực là những nhạc phẩm đặc sắc. Tôi sẽ nói sau về những điều này.

Xin trở lại chủ đề về chương trình hòa nhạc. Bạn hẳn đồng ý với tôi rằng mọi nhạc sĩ đều muốn khám phá những điều mới lạ và khác thường cho khán giả của mình tại buổi hòa nhạc. Ví dụ, nếu chúng ta lấy nhạc cổ điển là loại nhạc truyền thống, là loại nhạc mà thính giả có thể nghe mỗi ngày như các tác phẩm của Beethoven. Tôi thường đưa những nhạc như vậy vào chương trình của tôi, loại nhạc thật sâu lắng, thu hút người nghe.

Bên cạnh nhạc kinh điển, tôi còn thêm nhạc lãng mạn, ví dụ như nhạc của Schubert, hoặc những bản nhạc nổi tiếng của Chopin. Và ngay sau phần trình diễn những danh phẩm này thì những tấu khúc của Lê Văn Khoa được trổi lên.


Lần đầu tôi gặp nhạc sĩ Lê Văn Khoa khi tôi đang sắp xếp thu thanh album nhạc của ông ấy. Có thể nói tôi khá vất vả khi học loại nhạc của ông Khoa bởi vì những giai điệu được viết bằng ngũ cung và không dễ học. Hơn nữa tai tôi quen nghe âm điệu nhạc châu Âu. Nhạc Ukraine khá gần với nhạc châu Âu.

Tôi thực đã gặp khó khăn với ngũ cung trước khi "hấp thụ" và "tiêu hoá" được nó, nhưng điều đã giúp tôi nhiều trong quá trình này là mối quan hệ giữa tôi với tác giả. Chính ông ấy đã giải thích cho tôi rất nhiều: điều gì được diễn tả trong khúc nhạc này hay khúc nhạc kia, loại tâm trạng nào nên được thể hiện, vân vân.


Thế là công việc bắt đầu tiến triển nhanh chóng và thoải mái. Sau khi thu thanh album này, tôi cho thêm vài bài của ông Khoa vào chương trình hòa nhạc của tôi.


Tôi đã trình diễn tác phẩm của Lê Văn Khoa tại nhiều thị trấn khác nhau của Ukraine như Kyiv, Kriviy Rih, Kherson, Alexandria… Tôi không nhớ đầy đủ các địa điểm tôi đã trình diễn.

Có nhiều người đến gặp tôi, họ nói rất thích và hỏi làm sao có được thứ nhạc ấy để giới thiệu đến những người khác, chẳng hạn cho sinh viên của họ. Những người nói chuyện với tôi là các giáo sư, các học viên hay trường âm nhạc. Và dĩ nhiên, tôi đã đưa họ coi những đĩa CD này.


Khi tôi có một buổi hòa nhạc ở Vienna, Áo, tôi cũng đã trình diễn cho các khán giả của Vienna. Không ngạc nhiên khi nhiều người tìm gặp tôi sau buổi biểu diễn. Họ đã có những nhận xét khá thú vị.


Họ nói: "Chưa bao giờ chúng tôi có cơ hội nghe bản nhạc piano lý thú đến như thế tại một buổi hòa nhạc cổ điển". Họ có thể đã nghe loại nhạc ấy ở rạp hát nào đó nhưng nghe như nhạc piano, đó mới thật lạ kỳ!

"Lý Ngựa Ô" (Lê Văn Khoa) - Song tấu Piano Inna Starodub & Lyudmila Chychuk


Và bây giờ tôi đang chuẩn bị cho các buổi hòa nhạc sắp tới tại Warsaw (Ba Lan), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), và có thể tại Paris. Tôi muốn sử dụng các tác phẩm của Lê Văn Khoa để đem đến cho khán giả một chương trình hiện đại hơn cùng các tác phẩm hiện đại của Ukraine. Bạn biết không, thật ngạc nhiên, tôi đã khám phá một số điểm tương đồng giữa hai nền văn hóa của chúng ta.

Rõ ràng, các nhạc sĩ và những người trong thế giới nghệ thuật ưa thích tìm kiếm sự đặc biệt từ các nước khác. Và tất nhiên, các nhạc sĩ của chúng tôi đã đến Việt Nam và Trung Quốc. Và các nhạc sĩ Việt Nam và Trung Quốc cũng đến nước chúng tôi để trao đổi những kinh nghiệm văn hoá. Trong số các nhà soạn nhạc Kyiv, nếu tôi không lầm thì nhạc sĩ Yuri Ischenko đã sáng tác bản "Tổ Khúc Việt Nam" cho dàn nhạc giao hưởng. Như thế, quả thật chúng tôi có quan tâm đến âm nhạc Việt Nam.


Tôi đã khám phá điều gì khi đối chiếu âm nhạc Ukraine với âm nhạc Việt Nam?


Một số nhà soạn nhạc của chúng tôi có cho những yếu tố âm nhạc Việt Nam vào trong các tác phẩm hiện đại của họ. Ví dụ, bây giờ tôi muốn có trong chương trình biểu diễn của tôi nhạc Ukraine hiện đại của nhà soạn nhạc Myroslav Skoryk. Ông đã soạn một suite rất đẹp, xin lỗi, một partita cho piano.


Một chương có tên là "Waltz". So với những điệu Waltz của thế kỷ 18 và 19, âm thanh bài Waltz của Skoryk nghe khá hiện đại, vì đối với tôi, đó là loại bất đối xứng. Sự đảo phách được tác giả đưa vào tiết tấu đã làm thay đổi dòng chảy trơn tru của điệu nhạc Waltz. Bằng cách đó, ông tạo ra một hình ảnh thi vị và uyển chuyển đưa suy tưởng của thính giả trầm hẳn xuống; đồng thời hình ảnh ấy cứ mở ra, di chuyển liên tục và rồi đột nhiên dừng hẳn và chuyển sang chương kế tiếp có tên "Chorus". Đối với tôi phần mở đầu này như nhiều tiếng vang vọng từ xa, từ trên núi; văng vẳng đâu đó tiếng chuông ngân.


Điều đó làm tôi nhớ đến những tiếng chuông tôi nghe trong các tác phẩm của Lê Văn Khoa. Đối với tôi đó là sự gặp gỡ giữa các thời đại và các nền văn hóa.

Tôi chỉ đưa ra một ví dụ nhỏ. Nhưng nếu bạn trình diễn toàn thể cả hai, bạn sẽ thấy hai nền văn hóa của chúng ta có sự đồng điệu một cách đáng ngạc nhiên. Tôi vừa nói đến việc lấy tác phẩm của một nhà soạn nhạc người Ukraine hiện đại. Và coi nào, nếu tôi thử lấy tác phẩm của một nhà soạn nhạc người Pháp hiện đại như Jean Françaix, trong đó có những nét tinh nghịch, rồi hãy nghe âm nhạc của Lê Văn Khoa tươi trẻ và độc đáo như thế nào, thực là một bản nhạc kỳ diệu.


Thực tế thì mỗi khi tôi đưa một trong những tác phẩm của Lê Van Khoa lên Internet, tôi thấy thính giả khác nhau đã nghe nó. Và có lần một nghệ sỹ Piano người Ý tên Andrea Bambace, nếu tôi không lầm, ông viết thư cho tôi: "Bạn tìm thấy bản nhạc tuyệt vời này ở đâu thế? Ước gì tôi cũng có được để chơi thử."


Tôi trả lời tôi không có bản ký âm vào lúc đó và cách hay nhất là ông ấy nên trực tiếp hỏi thẳng Lê Văn Khoa. Như tôi biết, ông ấy đã viết thư tới ông Khoa và đã nhận được trả lời. Còn sau đó ông ấy có biểu diễn những nhạc phẩm đó ở Ý hay không thì tôi không rõ.


Nhiều người vẫn còn quan tâm tới loại nhạc này bởi vì nó mang đến một làn gió mới, hết sức thú vị, khác biệt so với văn hóa của chúng tôi, văn hóa châu Âu.


Âm nhạc có thể kết nối tâm hồn những dân tộc khác nhau, những quốc tịch khác nhau. Và hiển nhiên, mục đích của tất cả các nhạc sĩ và nhà soạn nhạc là tạo ra môi trường như thế để mọi người có thể sống trong một mối tương quan thân thiện.


***

Lyudmila Chychuk (Людмила Чичук)

Kiev 09.2016

Giáo Sư Nhạc Thính Phòng của trường dành cho trẻ em có biệt tài về âm nhạc, là Nhạc Sĩ độc tấu Piano. Năm 17 tuổi, thắng giải sáng tác Young Composers of The Republic. Đoạt giải Người Đệm Đàn Xuất Sắc cuộc thi quốc tế 2001-2002.



Five "Bis" (Jean Francaix) - Piano Lyudmila Chychuk


42 views
bottom of page