top of page

Welcome to our Blog

  • Writer's pictureVFC

PV Tiến Sĩ Dmytro Stepovyk

Updated: Mar 6, 2018

Điều gì làm chúng ta giống nhau? Nếu nền văn minh của chúng ta bắt đầu từ cùng một mốc thời gian, thì điều gì khiến chúng ta gặp gỡ nhau?

Tôi vô cùng hạnh phúc khi năm 2012 nhờ qua Taras Myronyuk, nhạc trưởng và nhạc sĩ của dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng Kyiv, tôi được gặp một người tuyệt vời, nhạc sĩ Lê Văn Khoa, một người Mỹ gốc Việt, nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, tác giả những nhạc phẩm mang nét văn hoá Âu Mỹ kết hợp với giai điệu các ca khúc Việt Nam nổi tiếng.


Tiến Sĩ Dmytro Stepovyk , Ukraine


Ukraine và Việt Nam thuộc các nền văn minh khác nhau. Về mặt địa lý, chúng ta cách nhau hàng ngàn cây số. Nhưng có một thứ kết nối chúng ta với nhau, đó là nền văn hoá và văn minh của chúng ta đều cổ kính. Dĩ nhiên, Đông Nam Á đạt văn minh sớm hơn. Chúng tôi coi văn minh Ukraine bắt đầu từ sự xuất hiện của Đấng Christ bởi vì Ukraine và đặc biệt Kyiv, đã được chính vị tông đồ đầu tiên của Đức Chúa Jêsus Christ đến thăm. Vị ấy là sứ đồ Andrew.

Thậm chí ở đây chúng tôi gọi ông là Người Đầu Tiên Được Ơn Kêu Gọi, vì ông là vị tông đồ đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi. Vì vậy, chúng tôi gọi nhà thờ Ukraine là Apostolic (Nhà Thờ Thánh Tông Đồ).


Trên thực tế, lịch sử Ukraine hiện đại đã phát triển trong những điều kiện khó khăn. Nước tôi nằm giữa khu vực địa lý của châu Âu.


Nếu Việt Nam được bảo vệ bởi một bên là đại dương và bên kia là các ngọn núi hùng vĩ với các khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới, thì Ukraine mở ra cả hai phía, vì điều này nên chúng tôi có một lịch sử rất khó khăn. 40% trong tổng số đất đai màu mỡ trên thế giới được tìm thấy ở Ukraine. Dân số của chúng tôi chỉ có 40-45 triệu người. Theo ước tính của các chuyên viên nông nghiệp, đất Ukraine có thể "nuôi" được một tỷ người; một phần bảy dân số thế giới.


Tạ ơn Chúa, cuối cùng từ hai mươi năm qua, chúng tôi không còn là nước thuộc địa. Chúng tôi đã bị cai trị bởi các người khác nhau, người Mông Cổ thế kỷ 13, người Ba Lan (những người hàng xóm của chúng tôi) và cuối cùng là người Moskal (tức là người Nga). "Rus" là tên Ukraine một thời nhưng đã bị người ta cướp mất.


Tạ ơn Chúa, không có quốc gia lân bang nào, không Lào, không Campuchia, cũng không Trung Quốc, Đài Loan, hay Indonesia,... dám xóa đi cái tên đẹp đẽ "Việt Nam". Tôi tin rằng tên này có nguồn gốc rất cao quý.

Điều nào khác nữa nhưng khiến chúng ta giống nhau?

Một ca khúc dân gian Ukraine luôn luôn được bao quanh bởi hình ảnh. Thánh ca trong nhà thờ chúng tôi được cất lên giữa những phù điêu trên tường cùng với các biểu tượng. Như tôi biết ở Việt Nam và nơi định cư nhiều người Việt như California, nhạc dân tộc Việt Nam luôn cất lên giữa những hình ảnh đẹp, hoặc là nghệ thuật trang trí, nghệ thuật cây cảnh, hoặc nghệ thuật hình tượng.

Âm nhạc của một quốc gia luôn nghe đẹp đẽ, duyên dáng hơn khi có tranh ảnh hoặc phong cảnh chung quanh. Chúng tôi cũng cảm thấy điều tương tự. Chúng tôi thuộc về các nhóm sắc tộc khác nhau, chủng tộc Mông Cổ và Âu Châu. Tuy nhiên chúng ta có nhiều điểm chung.

Tôi nhớ lại lúc còn trẻ khi lần đầu tiên viếng thăm một nước tư bản là Na Uy. Ở thị trấn Northgamme trong viện Bảo Tàng Nhạc Cụ, bên cạnh nhạc cụ dân gian Na Uy, tôi thấy một cây đàn Bandura Ukraine. Nhạc cụ này được người Ukraine đem tới bởi vì họ không chấp nhận chế độ Cộng Sản do Nga áp đặt bằng những lời dạy của Engels và Marx. Chế độ đó không thuộc đất nước chúng tôi vì chúng tôi là dân tộc có lý tưởng dân chủ giống như dân tộc Việt Nam.

Chế độ Cộng Sản ngày nay ở Việt Nam không phát xuất tự nhiên từ tâm hồn người Việt, những người khi lớn lên được bao bọc bởi thiên nhiên tươi đẹp. Chính những điều này đã đưa hai quốc gia chúng ta đến với nhau bất chấp những khác biệt bên ngoài.

Ngày nay thế giới đang trải qua sự toàn cầu hóa, và chúng tôi rất hạnh phúc khi các bạn đến đây để thực hiện những tác phẩm tuyệt đẹp, trong đó Lê Văn Khoa đã sử dụng đàn Bandura - nhạc cụ Ukraine cổ nhất có nguồn gốc từ đàn Kobza bằng cách thêm nhiều dây đàn hơn. Thật là một món quà tuyệt vời vì nhạc của Lê Văn Khoa giống như âm nhạc dân gian của chúng tôi.


Khi chúng ta nghe những nhạc phẩm Việt Nam này, tôi chắc chắn ta sẽ nhận ra âm thanh tuyệt vời của đàn Bandura. Việc sử dụng qua lại như thế là một truyền thống trong thế giới nghệ thuật.


"Se Chỉ Luồn Kim" (Lê Văn Khoa) - Bandura Kateryna Myronyuk

Chúng ta đều biết nhà soạn nhạc nổi tiếng người Ý là Giuseppe Verdi, tác giả vở opera tuyệt vời "Aida" dựa trên câu chuyện về nền văn minh Ai Cập cổ đại.

Khi người Pháp nghe xong vở nhạc kịch, họ nhận ra âm điệu đặc trưng của nhạc Pháp, và họ lên tiếng chê trách nhà soạn nhạc. Giuseppe Verdi đã trả lời rằng: "Âm nhạc có tính phổ quát. Đó là tiếng nói của Thiên Đàng, tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng đã đến trên trần gian. Thế nên vẫn có thể sử dụng những yếu tố nhạc Pháp trong các vở opera của tôi như "Don Carlos", "Traviata" và những vở nhạc kịch khác". Do đó, sự giao thoa có thể xảy ra với âm nhạc của các nền văn hoá khác nhau.


Chúng tôi hiện đang vui mừng kỷ niệm hai mươi lăm năm nền độc lập. Liệu nước láng giềng Nga có thể sẽ tấn công chúng tôi chăng? Trong hai năm sau chiến tranh dưới thời Tổng Thống Poroshenko, Ukraine đã nâng cao khả năng quân sự để đối phó với các cuộc tấn công hung hăng. Điều đó cho thấy chúng tôi không chỉ có sức mạnh tinh thần và sáng tạo mà còn có cả sức mạnh cơ bắp. Chúng tôi có thể tự bảo vệ chính mình.


Tôi nhớ lúc tôi còn trẻ, cuộc chiến bi thảm và đẫm máu giữa miền Bắc và Nam đang diễn ra tại Việt Nam. Thật không may, nền dân chủ đã không giành chiến thắng.

Nhưng tôi thiết nghĩ sự phát triển của Việt Nam sẽ đạt đến thời điểm mà ý chí của các bạn rồi sẽ vượt qua sức mạnh của cái ác và bắt đầu đi theo con đường các bạn đã bước đi trong những thế kỷ trước.

Lịch sử hiện đại của chúng tôi bằng cách nào đó đã vang vọng với lịch sử quốc gia tuyệt vời của các bạn.


Tôi sẽ cầu nguyện Chúa cho các bạn. Chúng tôi vui mừng đón chào các bạn, và các bạn sẽ nhận được sự hiếu khách chân thành của đất nước Ukraine trên phương diện văn hoá và nối kết tình thân với tất cả mọi người. Các bạn đã biết điều này một phần nào rồi đấy. Nhưng nếu đến càng nhiều lần, các bạn sẽ càng cảm nhận điều ấy nhiều hơn.


***

Dmitro Stepovyk (Дмитро Степовик)

Kiev 09.2016

Giáo sư nhiều trường đại học ở Kyiv, Ukraine và New York, Hoa Kỳ với ba bằng tiến sĩ về Văn Chương, Nghệ Thuật và Tôn Giáo. Tác giả nhiều tác phẩm biên khảo giá trị.

Một số tác phẩm biên khảo đã xuất bản (tiếng Ukraine) : "New Ukrainian icon of the 20th and early 21st centuries", "Traditional iconography and new stylistics", "Third Patriarch: the holy patriarch of Kiev and All-Russia-Ukraine Filaret 85 years old", "Ukrainian Baroque Engraving". etc.


Một số sách biên khảo của Giáo Sư Dmitro Stepovyk (Дмитро Степовик)




12 views
bottom of page