top of page

Welcome to our Blog

  • Writer's pictureVFC

PV Nhạc Trưởng Andrew Wailes

Hiện nay đang là những tuần lễ quan trọng đối với Cộng Đồng Người Việt Úc Châu. Đây là kỷ niệm lần thứ 30 của Cộng Đồng. Vào cuối tuần này một giàn nhạc giao hưởng sẽ trình diễn ba hành âm của một bản giao hưởng - Symphony Vietnam 1975. Lần đầu tiên bản nhạc này được trình diễn ở Úc.

Nói về quy mô, dàn nhạc có 50 nhạc sĩ và rất nhiều ca sĩ. Thông tín viên Nguyễn Huệ của đài phát thanh Radio Australia đã nói chuyện với Andrew Wailes, một trong những nhạc trưởng chính của ban nhạc Úc Châu này. Ông đã điều khiển ban nhạc ở phía trước tòa thị sảnh Melbourne chật kín người, mọi người đều phải đứng.


NH: Thưa ông Andrew, có nên nói rằng đây là lần đầu tiên ông thực hiện một bản giao hưởng Việt Nam?


Nhạc Trưởng Andew Wailes, Australia


AW: Vâng, thưa đúng lắm! Trước đây, tôi đã từng thực hiện một vài tác phẩm của các nhà soạn nhạc Châu Á, đáng kể nhất là một vở Opera của nhà soạn nhạc Trung Quốc, Julian Yu, (dĩ nhiên bây giờ là người Úc) nhưng tôi chưa bao giờ thực hiện bất cứ tác phẩm nào từ Việt Nam, do đó tôi cảm thấy rất hào hứng.

NH: Vậy, điều gì khiến ông ấn tượng đến thế ạ?

AW: Symphony Việt Nam 1975 là một tác phẩm tuyệt đẹp, kể một câu chuyện rất hay, như tất cả những bản nhạc giao hưởng nổi tiếng thường đều như kể một câu chuyện nào đó. Đó là câu chuyện bằng âm nhạc về những con người có thực, một giai đoạn có thực trong lịch sử.


Tác phẩm bắt đầu từ khúc nhạc dân ca vui tươi mô tả một đất nước thanh bình và hào hùng, rồi chuyển qua âm thanh ảm đạm vì cuộc xâm lăng của cộng sản. Thế rồi chuyển lần sang âm thanh sắc nhọn hơn. Có rất, rất nhiều âm thanh bất an, đó là những nốt nhạc làm nổi gai ốc! Có những khoảng trống lớn, thật lớn trong nhạc làm liên tưởng tới một đất nước bị phá vỡ.


Tiếp theo là giai điệu đầy cảm xúc như thể người kể chuyện phải nói lời từ biệt để ra đi đến vùng đất mới, hy vọng ở đó sẽ tìm được an vui.

Thế rồi, trong hành âm cuối "Ca Ngợi Tự Do", bản hợp xướng tuyệt vời này mở ra Tự Do. Lời ca cất vang tuyệt vời là sự chào mừng một cuộc sống mới, chào mừng một đất nước mới, một khởi đầu mới. Thật là một hành âm vĩ đại, được phối khí hết sức công phu và rất thành công.

HN: Thưa vâng, đó là câu chuyện về bản giao hưởng. Bây giờ, xin nói về phong cách, sự hài hòa, các hành âm? Có sự khác biệt nào so với tất cả các bản giao hưởng phương Tây mà ông đã thực hiện?


AW: Điều đầu tiên là bản nhạc này tràn đầy một thứ mà trong âm nhạc phương Tây ta gọi đó là "pentatonic". Có rất nhiều tác phẩm âm nhạc được viết với 5 nốt, trái ngược với "octave" với 7 hay 8 thang âm khác nhau. Ở tiếng Việt, nó được gọi là Ngũ Cung. Ngũ có nghĩa là 5, Cung có nghĩa là nốt nhạc.


Vì thế cho nên, âm nhạc của Nhật Bản hay Trung hoa khá giống nhau. Chúng tôi cũng có một số đoạn solo tuyệt vời cho sáo trúc, đây là một nhạc cụ rất châu Á và nó được sử dụng một cách ngoạn mục hơn so với khi vào tay các nhà soạn nhạc phương Tây.


Các dây đàn thỉnh thoảng phải bẻ cong cao độ để nghe phù hợp với nét âm nhạc đặc biệt Việt Nam, như thế tạo ra một loại glissando duyên dáng mà chúng tôi thường không có. Chúng tôi phải chơi những nốt nhạc giữa các bán cung. Và đó thực sự là một bản nhạc rất đẹp, hết sức tinh tế ở nhiều chỗ, Chúng tôi phải cẩn thận không chơi quá đà vì nét nhạc hết sức mỏng manh.


HN: Andrew, đây là lần đầu tiên dàn nhạc Royal Melbourne Philharmonic Orchestra tham gia với Cộng Đồng Người Việt ở đây trong một buổi hòa nhạc như vầy. Và vì thế nhiều khán giả đề nghị rằng sẽ có thêm sự hợp tác của loại nhạc này trong tương lai. Ông nghĩ gì về khả năng ấy?


AW: Tôi nghĩ rất, rất quan trọng những nền văn hóa như văn hóa Úc - có được từ nhiều sắc tộc khác nhau từ nhiều quốc gia khác nhau, có thể kết hợp lại nhờ qua âm nhạc . Tôi nghĩ âm nhạc quả là một ngôn ngữ quốc tế . Và điều tôi thích nhất trong cương vị nhạc sĩ là tôi có thể đi đến Châu Âu hay Châu Á mà không nhất thiết phải biết nói tiếng Hy Lạp hay tiếng Việt Nam.


HN: Nghĩa là ta có thể nói cùng ngôn ngữ với người bản xứ qua âm nhạc?


AW: Đúng thế, bạn có thể nói cùng ngôn ngữ qua âm nhạc. Theo tôi, đó thật là điều tuyệt vời, ta có thể đưa Tây tới Đông và Đông tới Tây, có thể cùng chung vui về những điều mà bất kỳ ai trên Trái Đất cũng cảm nhận. Đó chính là âm nhạc.


Tôi nghĩ khiêu vũ và âm nhạc là cách giúp mọi người trên trái đất này đến gần với nhau, thật đấy . Tôi rất, rất chú tâm đến việc ban nhạc Melbourne Philharmonic đang nghiên cứu cách khám phá những loại nhạc mới lạ . Chúng ta không nên quên rằng hai trăm năm trước, khi Úc Châu mới được khai phá thì âm nhạc Anh Quốc là nhạc ngoại quốc xa lạ . Hai trăm năm sau, chúng ta có nhiều văn hóa khác trong cộng đồng chúng ta .


Thật tuyệt được nghe nhiều thêm những nét nhạc Châu Á và Đông Âu. Và đó chính là thí dụ tuyệt diệu về cách các nhạc sĩ có thể đến với nhau và cùng hoan hỉ ăn mừng với nhau.


***

Andrew Wailes

Melbourne 04.2005

Nhạc Trưởng The Royal Melbourne Philharmonic Orchestra.



"The Armed Man" Finale - Nhạc Trưởng Andrew Wailes

34 views
bottom of page