top of page

Welcome to our Blog

  • Writer's pictureVFC

Xứ Người Hồn Việt

Updated: Mar 6, 2018

Lần thứ hai tôi đến Kyiv. Năm năm trước là để thu hình ban nhạc National Presidential Orchestra trình diễn bản Quốc Thiều VNCH cho phim tài liệu Hồn Việt.


Lần này vừa thu hình các buổi trình diễn nhạc Việt của Kyiv Symphony Orchestra, vừa phỏng vấn một số nhân vật có tiếng trong giới âm nhạc Ukraine cho cuốn phim về nhạc sĩ Lê Văn Khoa.


Thánh đường Saint Michael, Kiev, Ukraine


Đường sá và nhà cửa thủ đô Kyiv không thay đổi mấy so với năm năm trước đây. Vẫn là những chung cư cũ kỹ, đường phố thưa thớt. Có vẻ phương Tây vẫn chưa hào hứng đầu tư nhiều vào Ukraine. Vì súng vẫn còn nổ dọc biên giới miền Đông hay vì Ukraine chưa thực sự mở tung cánh cửa cho phương Tây?

Còn nhớ ngày tổ chức sinh nhật 80 của anh Khoa tại California năm 2013, tôi đã hối thúc anh thực hiện cuốn phim này, nhưng anh cứ chần chờ. Năm đó, các thân hữu đã thực hiện một cuốn sách đồ sộ có tựa đề "Lê Văn Khoa – Một Người Việt Nam." Tuy nhiên, người đọc khó có thể “nghe” âm nhạc qua văn viết.

Vietnam Film Club muốn thực hiện cuốn phim như một cuốn sách "trên không" (YouTube), để nhạc của Lê Văn Khoa được nhiều người thưởng thức.

Những dữ kiện về âm nhạc sẽ được lưu giữ cho những ai quan tâm đến việc phát triển nhạc Việt. Bốn năm sau, có lẽ anh Khoa đã hiểu ra tại sao Vietnam Film Club muốn thực hiện cuốn phim. Như chạy đua với thời gian, chúng tôi ráo riết thu thập tài liệu, gấp rút phỏng vấn những nhân vật liên quan đến sự nghiệp của anh.​

Nhạc của anh Khoa đã được trình diễn và giảng dạy tại một số trường âm nhạc Ukraine. Điều quý hơn nữa là họ đã hiểu được hoàn cảnh lịch sử của dân tộc Việt Nam, có lẽ vì hai dân tộc đều là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản?

Phỏng vấn các nghệ sĩ Ukraine mới thấy họ quý mến tư cách và cảm phục tài năng âm nhạc của anh Khoa. Nhạc sĩ dương cầm Lyudmila Chychuk thì cứ gọi anh là Bố Bố. Cô nói rằng trình diễn xong rồi mà nhạc của anh Khoa cứ lẩn quẩn trong đầu.


Tiến sĩ Violetta Dutchak, Trưởng Phân Khoa Dân Nhạc của V. Stefanyk Carpathian National University khi hay tin chúng tôi đến Kyiv, đã mua vé xe lửa từ miền Tây vượt quảng đường bảy tiếng đồng hồ để gặp anh Khoa và trả lời cuộc phỏng vấn của Vietnam Film Club. Xong công việc, bà đi ăn tối với chúng tôi rồi quay lại trạm xe lửa trở về cho kịp hôm sau đi dạy học.

Là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc lâu năm, bà đưa ra nhận xét:

“Đối với tôi, những bản nhạc soạn cho đàn Bandura của Lê Văn Khoa quả là biểu tượng cho sự hội tụ của hai nền văn hoá Đông Tây, cho sự kết hợp các quốc gia lại với nhau”.

Trong lúc đi bộ trong thương xá, chúng tôi thấy có hai người đang chơi đàn Bandura. Cảnh này khiến anh Khoa kể lại câu chuyện các nhạc sĩ mù ngày xưa đã dùng tiếng đàn Bandura để kích động lòng yêu nước trong dân chúng. Ảnh hưởng của họ đã làm Stalin khiếp sợ nên tìm cách gom lại một chỗ hằng trăm nhạc sĩ mù trên toàn quốc rồi giết hết.

Tình yêu âm nhạc đã nối kết các nhạc sĩ Ukraine và Lê Văn Khoa như người thân trong gia đình. Bà nhạc trưởng Alla Kulbaba được mời đến Hòa Lan để điều khiển giàn nhạc đệm cho đoàn Opera từ một quốc gia Đông Âu qua đó trình diễn. Khi hay tin Lê Văn Khoa sẽ đến Ukraine để thu thanh và mong gặp lại những nhạc sĩ chính đã từng cộng tác trong 11 năm qua, bà Alla hoãn chuyến bay, ở lại thêm vài ngày để điều khiển dàn nhạc giao hưởng Kyiv Symphony Orchestra thu thanh tác phẩm của anh. Buổi thu thanh cuối vừa xong, bà vội ra phi trường ngay vì chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là máy bay cất cánh.


Ngày thứ năm, chúng tôi đến Studio để nghe lại việc thu âm. Anh Khoa ngồi bên cạnh người chuyên viên, cùng xem lại từng đoạn nhạc để điều chỉnh. Đây chính là giây phút người nghệ sĩ Ukraine chờ đợi cái gật đầu của người nhạc sĩ Việt Nam để cả hai hoàn tất trọn vẹn những tác phẩm nghệ thuật.


Hai người nghệ sĩ đã vượt lên trên biên giới đất nước mình, biến âm nhạc thành một ngôn ngữ để thưởng thức, để chia sẻ, và để cảm thông.


Nếu nhân loại cần một thức ăn mời gọi mọi người từ các nơi về, thì âm nhạc chính là món ăn cần thiết cho đời sống.

Trên đường ra phi trường, nhìn anh Khoa rồi nhìn Taras, tôi chợt thấy một điều lý thú. Người Việt Nam-Lê Văn Khoa và người Ukrainian-Taras từ hai phương trời Đông Tây, cùng một đam mê âm nhạc, cùng một tâm nguyện phục vụ xã hội, đang hội tụ nơi một miền đất đầy khát vọng hòa bình.

Một sự trùng hợp khác nữa. Anh Khoa sinh năm con gà 1933, năm có 10 triệu nạn nhân Ukraine chết đói. Tôi sinh năm con gà 1945, năm có gần hai triệu người Việt chết đói. Bây giờ cả hai cùng đến đây để làm một cuốn phim không phải để hận thù quá khứ, mà để đưa nhạc Việt cất cao trên vòm trời âm nhạc của thế giới.


Anh Khoa từng ước mơ:

Tôi chỉ có niềm kiêu hãnh về dân tộc Việt và mong muốn góp một phần khiêm nhường trong việc đưa văn hóa Việt ra khỏi biên cương Việt Nam, đồng thời hy vọng được mở một cánh cửa nhỏ cho nhạc Việt tung bay. Hy vọng thế hệ tiếp nối sẽ đi xa hơn để gieo nhạc Việt vào lòng người yêu nhạc trên khắp thế giới.

***

Chu Lynh Ukraine 09.2016


"Hồi Tưởng" (Lê Văn Khoa ) - Piano Lyudmila Chychuk & Kyiv Symphony Orchestra

31 views

Comments


Commenting has been turned off.
bottom of page