Bài báo “Vietnam Through Vietnamese Eyes” của nhà phê bình nghệ thuật John Brod Peters được đăng trên báo St. Louis Globe-Democrat (số ngày Chúa Nhật, 24/7/1977).
Khi ông Martin Scheweig, thế hệ nhiếp ảnh gia đời thứ hai của St. Louis và thế hệ giám đốc đầu tiên của một phòng triển lãm nghệ thuật nhìn thấy những tấm ảnh được trưng bày của nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa tại International Institute of Metropolitans St. Louis vào tháng trước, ông đã lập tức thu xếp để có ngay một cuộc triển lãm với con người 44 tuổi tên Khoa ấy tại phòng triển lãm của mình.
Thế là, những tấm ảnh của ông Khoa sẽ được thưởng thức tại Martin Scheweig Gallery, số 4657 đường Maryland Ave., từ thứ Năm 26 tháng 7, đến thứ Sáu 5 tháng 8/1977.
(Khoa – đọc là “Kwa”- chính là tên gọi, bởi vì người Việt Nam, như nhiều người Á châu, có tên họ được viết từ trái quá phải. Vì thế, theo cách viết của Âu châu thì sẽ là “Khoa Van Le” – cũng như Thomas Hart Benton sẽ được đọc theo tiếng Việt là “Benton Hart Thomas”).
Qua cuộc triển lãm lưu động của nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa, gồm 65 tấm ảnh đen trắng, người thưởng ngoạn sẽ được dịp nhìn thấu vào sự phức tạp của đất nước Đông Nam Á này qua con mắt của chính người Việt Nam.
Trẻ trung, nhã nhặn, nhiệt tình và lúc nào cũng tươi cười, ông Khoa khiến ta liên tưởng tới những con người thời Phục Hưng – một hạng người hiếm hoi, không dễ kiếm thấy nữa ở giữa thế kỷ 20, dù Đông hay Tây.
Lê Văn Khoa còn điêu luyện những môn nghệ thuật khác bên cạnh nghệ thuật nhiếp ảnh. Ông là một nhạc sĩ – chuyên về đàn dương cầm, và cũng là soạn nhạc gia và là nhạc trưởng. Ông từng viết văn và làm chủ bút, cả xuất bản sách khi còn ở Việt Nam. Ông từng là nhà sản xuất và đạo diễn chương trình truyền hình – một nghề ông hy vọng sẽ tiếp tục nay mai tại Hoa Kỳ. Ông biết nhiều ngôn ngữ nên từng làm thông dịch viên. Ông đã và tiếp tục làm giáo sư tại trường đại học.
Ngần ấy những điều vừa kể đã đủ gây ấn tượng rồi, thế nhưng cái ấn tượng kinh ngạc nhất ở đây là việc ông Lê Văn Khoa rành các bộ môn khác nhau hầu hết do chính ông tự học. Trường lớp không hấp dẫn chàng Khoa trẻ tuổi. Ngay (từ sớm) lúc còn trẻ, ông đã nhận thấy cách tốt nhất là tự mình tìm tòi. Do vậy, trò Khoa rời bỏ nhà trường gò bó khi đã thấy đủ, và rồi chỉ trở lại trường trong cương vị một người thầy!
Sau khi người Mỹ rút khỏi Miền Nam Việt Nam bốn năm về trước, ông Khoa và hiền nội cùng với những người Việt tị nạn đã bỏ xứ ra đi để xây dựng cuộc sống mới tại đây và nhiều nơi khác trên khắp thế giới.
Lê Văn Khoa đến Hoa Kỳ với chỉ 50 xu trong túi và bắt đầu đời sống Mỹ bằng việc xúc đất để nuôi gia đình trong khi luyện tiếng Anh mà ông đã học trước đó cho giỏi hơn.
Một biểu hiện rõ nhất cho thấy khả năng dồi dào của Lê Văn Khoa là việc ông có thể nói chuyện bằng một thứ tiếng Anh trôi chảy với cách dùng các thành ngữ nhuần nhuyễn, là việc ông đã từ vị trí một lao công nông trường trở thành một giáo sư, một nghệ sĩ, một nhà điều hành trong khoảng thời gian còn ngắn hơn thời gian chúng ta trải qua trung học hay đại học.
Những tấm ảnh của ông Khoa phô diễn nét buồn man mác trên một vùng đất có những cuộc đối kháng rối bời, nơi nhận thức trở nên căng thẳng cao độ giữa cái sống và cái chết, cùng song hành, kề cận nhau và vô cùng khó lường.
"Đó là thế giới của sự đối chọi giữa những thế lực và quyền hành, giữa ánh sáng và bóng tối. Tôi nhận ra rằng ảnh trắng đen với những biến thể vô tận của kỹ thuật là phương tiện tốt nhất để bày tỏ những phát biểu không lời của tôi."
Lê Văn Khoa giải thích khi viết về phong cách nhiếp ảnh của ông.
"Tình Đồng Đội" (Lê Văn Khoa)
Nghệ thuật nhiếp ảnh của Khoa đưa ta về mọi miền cảm xúc và kinh nghiệm cuộc sống, liên tục buộc ta phải thấy tính nhất thể của con người mà lịch sử cứ mãi lập đi lập lại qua nhiều hình thức khác nhau từ nơi này qua nơi khác, từ thời này qua thời khác. Những tấm ảnh của Khoa không phải là cứu cánh, mà còn là phương tiện để thể hiện và hòa phối những cảm xúc trong tâm hồn của chính ông và của người thưởng ngoạn. Và để làm được điều ấy, ông đã thực hiện các tác phẩm của mình từ nhiều nguồn khác nhau, với sự cân đo hết sức chính xác của sự vật và phong cách.
Giờ đây, sau khi cùng với gia đình ổn định cuộc sống trên đất Mỹ, Khoa ngay lập tức đã chuyển ống kính của mình qua hướng Tây. Và dù biết rằng Đông vẫn là Đông và Tây vẫn là Tây, Khoa nhận thấy cả hai CÙNG gặp nhau tại một điểm chung, đó là tình huynh đệ giữa con người với nhau – một đề tài mà Lê Văn Khoa thế nào cũng sẽ khám phá và trưng bày trong những cuộc triển lãm tương lai.
John Brod Peters St. Louis Globe-Democrat (Sunday 07.24.1977) (Trịnh Bình An chuyển ngữ 2016)
***
Chú thích:
John Brod Peters: Là một nhà phê bình nghệ thuật, columnist nhiều năm cho tờ báo St. Louis Globe-Democrat tại St. Louis, Missouri (USA).
International Institute of Metropolitans St. Louis: Trung tâm đa sắc tộc này được sáng lập năm 1919 với mục đích đem lại những chương trình phục vụ phong phú và thiết thực cho những người tị nạn và nhập cư vào cộng đồng St. Louis, Missouri (USA).
Martin Scheweig Jr.: Là người sáng lập phòng triển lãm nhiếp ảnh đầu tiên tại St. Louis, lấy tên “Schweig Martin Studio & Gallery”. Ông cũng là thế hệ nhiếp ảnh gia thứ ba trong bốn thế hệ nhiếp ảnh của gia đình. Ông nội của ông là nhiếp ảnh gia Martin - Morris Scheweig, người đã sáng lập Schweig Studios năm 1893.
Comments