top of page

Welcome to our Blog

  • Writer's pictureVFC

Những Tấm Ảnh Mất Tích

Hàng ngàn tấm hình chụp nghệ thuật của Lê Văn Khoa đã không còn nữa. Chúng cùng chung số phận với hàng ngàn người Việt Nam đã bỏ mình sau thảm trạng 30 Tháng Tư 1975.

Thế nhưng, nếu mảnh đất quê hương trong tay giặc không dung chứa tim óc con dân chính mình, thì may thay, xứ sở xa lạ đã mở vòng tay đón nhận và nâng niu những mảnh nghệ thuật chân chính. Một trong số những nơi đã lưu trữ cẩn thận những tác phẩm nhiếp ảnh của Lê Văn Khoa là viện bảo tàng nghệ thuật Baltimore Museum of Art.


Viện bảo tàng nghệ thuật The Baltimore Museum of Art, Maryland, USA


Thứ Hai là ngày viện bảo tàng đóng cửa, nhưng trước đó một tuần bà Giám Đốc Rena M. Hoisington, cho biết rất vui mừng được đón tiếp ông. Bà Ann Shafer (Associate Curator) đưa Lê Văn Khoa và Ngọc Hà - hiền nội của ông - lên Thư Viện, nơi tàng giữ sách vở và các tác phẩm in ấn, hội họa và nhiếp ảnh.

Ngay khi hai cánh cửa nặng mở ra, Lê Văn Khoa như một phút chết lặng: trước mắt ông, trang trọng bày ra trên kệ tủ sách là 6 tấm ảnh đen trắng. Những tấm ảnh một thời khói lửa...

Những tấm ảnh chụp hình nước Việt nhưng mang tên chữ Anh: The Day Is Done, Slumber, In The Moonlight, Rescue, I’m ScaredGoing Home.

Bà Caryn Coyle phân tích nét đẹp trong hai tấm hình “Going Home”, so sánh vân cát trong Going Home của nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa đối chiếu với đường nét một vách đá trong tác phẩm của nhiếp ảnh gia Hoa Kỳ Edward Weston. Bà Caryn tỏ ra thích thú với đường nét cuồn cuộn trong “The Day Is Done”.


Theo bà, bức ảnh nổi bật với những đường nét mạnh mẽ nhưng gợi cảm của chùm lưới cá buông rũ, những mảng sáng tối giữa vùng nước bao la và những chiếc thuyền, vừa tương phản vừa hài hòa; khiến người xem cứ nhìn từ góc này qua góc khác, toàn cảnh rồi cận cảnh, bao quát rồi chi tiết mà không hề chán.

Triển lãm nghệ thuật "5 From The Eastern Shore"


Khi nhìn lại những bức ảnh của một thời đau đớn nhưng đầy tràn tình thương, Lê Văn Khoa cho biết ông hết sức vui mừng vì những tấm ảnh này đã được lưu giữ. Đặc biệt, 3 tác phẩm nhiếp ảnh của ông đã bị lạc mất trong khi Baltimore Museum of Art đang triển lãm lưu động tại một địa điểm khác tại tiểu bang Maryland năm 1977 thì nay, tìm lại được!


Những tấm ảnh tưởng đã mất tích, nhưng vẫn sống sót, như để làm nhân chứng lịch sử.

Hình một em bé, tuổi còn măng sữa nhưng đôi mắt tràn đầy sợ hãi trong “I’m Scared” là chứng tích về sự kinh hoàng đám Bắc Quân gây ra khi tràn vào làng em.


Đồi cát trùng điệp Mũi Né trong “Going Home” là chứng tích về một nước Việt Nam với thiên nhiên phong phú xinh đẹp mà giờ đây đã bị phá hủy. Theo nhiếp ảnh gia Trần Công Nhung giờ đây chỉ còn "Mặt cát phẳng lì, đôi ba đường bình bình, không như ngày trước có những đường uốn lượn lên cao, tạo cho bóng đổ tối một phía, hiện lên rõ những nét nghệ thuật."


Sáu tấm ảnh!


Quá nhỏ bé so với hàng ngàn tấm ảnh của Lê Văn Khoa. Những tấm ảnh đã góp phần đưa tên Việt Nam đứng ngang hàng với các tên tuổi thế giới trong môn nhiếp ảnh nghệ thuật. Người ngoại quốc nhờ đó thấy được Việt Nam không chỉ những hình ảnh khói lửa, đổ nát. Họ được thấy một Việt Nam thơ mộng, hiền hòa.


Những tấm ảnh đen trắng của Lê Văn Khoa không chỉ là chứng tích lịch sử, đó còn là một sứ giả - sứ giả đem đến sự cảm thông qua cái đẹp lặng lẽ của nhiếp ảnh.


Dường như đó cũng chính là tâm nguyện của nhiếp ảnh gia khi ông tâm sự:


We want to let the world know we are a peace-loving people.


***

Trịnh Bình An Washington DC 06.2015



19 views
bottom of page