top of page

Welcome to our Blog

  • Writer's pictureVFC

Nhà Soạn Nhạc Quận Cam Cất Tiếng Nói Từ Trái Tim Trong '1975'

Updated: Feb 24, 2018

O.C. Composer Speaks From the Heart in '1975'

Los Angeles Times - 06.03.1995

Benjamin Epstein


Khi ban nhạc giao hưởng Pacific Symphony quyết định tưởng niệm sự đau khổ gây nên bởi Chiến Tranh Việt Nam, ban nhạc đã ủy thác cho một nhà soạn nhạc chuyên viết các bản nhạc phim. Người ta hào hứng về buổi trình diễn vào tháng Tư này như là một buổi ra mắt phim của Hollywood, mặc dù các nhà phê bình nhạc cổ điển cho rằng nhạc phẩm này chỉ tương đương với một bộ phim hạng B mà thôi.

Trọng trách được giao cho ông Elliot Goldenthal hai năm trước.


Lê Văn Khoa - tác giả, nhà sản xuất, nhiếp ảnh gia và là người lãnh đạo cộng đồng người Việt ở đây - được bầu vào một ban cố vấn được thành lập với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về công việc và tư vấn âm nhạc cho nhà soạn nhạc Elliot Goldenthal ở New York. Nhưng cùng lúc, chẳng theo yêu cầu của một ai ngoài chính bản thân – như một nhà soạn nhạc – ông Khoa đã tự viết bản tưởng niệm của ông, bản giao hưởng có tên "1975".

Ban nhạc Pacific Symphony đã trình diễn tác phẩm giao hưởng "Fire Paper Water" của Goldenthal vào cuối tháng Tư tại Trung Tâm Biểu Diễn Nghệ Thuật Quận Cam. Dàn nhạc đã thu âm tác phẩm này và dự kiến sẽ phát hành vào mùa thu năm nay với nhãn hiệu Sony Classical, có sự xuất hiện đặc biệt của nhà cellist nổi tiếng Yo-Yo Ma.

Các trích đoạn của Lê Văn Khoa trong "1975" sẽ được trình diễn hôm nay bởi ban nhạc giao hưởng Pacific Symphony Institute Orchestra trong buổi hòa nhạc miễn phí, cũng tại Trung Tâm Nghệ Thuật này.


Tại sao tác phẩm của Goldenthal được thực hiện bởi một dàn nhạc chuyên nghiệp, trong khi tác phẩm của ông Khoa chỉ được trình diễn bởi một dàn nhạc đang còn trong thời gian đào tạo? Tại sao chỉ có vài trích đoạn? Và tại sao Lê Văn Khoa chỉ là một cố vấn mà thôi?

"Tôi nghĩ họ không hề biết có người Việt Nam nào biết viết nhạc giao hưởng đang sống trong khu vực này", Khoa, 61 tuổi, sống ở Orange County, nói. "Họ mới biết tới tôi năm ngoái thôi" sau khi trọng trách đã được trao cho Goldenthal. "Quá muộn rồi!"

*

Đưa nhận xét về việc dàn nhạc chỉ trình diễn ba trong bảy hành âm mà ông đã hoàn thành – Mở đầu, Hội Trăng Rằm và Trong Đêm Thâu (Introduction, Full Moon Festival, In the Depths of the Night) trong một chương trình bao gồm bản Egmont Overture của Beethoven và Symphony No. 1 của Mahler - Khoa nói, "Có lẽ, bạn biết đấy, tôi là người mới đối với họ, do đó, họ do dự. Nhưng sau khi nhạc trưởng Edward Cumming của Institute Orchestra đọc bản tổng phổ của tôi thì ông ấy tỏ ra rất thích thú."


"Tất nhiên, còn nhiều điều khác nữa," ông nói. "Các nhà tài trợ là một. Vấn đề là chúng tôi không đủ tiền để hỗ trợ việc tập luyện và biểu diễn toàn bộ tác phẩm."


Về dàn nhạc sinh viên, buổi trình diễn của Lê Văn Khoa được tài trợ không bởi Pacific Symphony mà bởi Project 20, một ủy ban người Mỹ gốc Việt địa phương đã tổ chức nhiều sinh hoạt văn hoá và các hoạt động giáo dục nhằm đánh dấu 20 năm cuộc sống tị nạn tại Hoa Kỳ cho người nhập cư Việt Nam. Ông Khoa là người điều hợp cho Project 20.

Ông Lou Spisto, Giám đốc điều hành Pacific Symphony, nói: "Dàn nhạc Pacific Symphony bắt đầu thực hiện cuộc tưởng niệm chiến tranh từ góc độ phổ quát, và chúng tôi đã bắt đầu dự án đó từ vài năm trước."


"Còn dự án mới thì được cộng đồng người Việt ở đây khởi xướng tại Quận Cam. Ông Lê Văn Khoa đã nghe tiếng dàn nhạc sinh viên Pacific Institute Orchestra và đã đến gặp chúng tôi vài tháng trước với ý tưởng sử dụng dàn nhạc để góp phần vào Project 20."


Ông Lou Spisto nói tiếp: "Chúng tôi yêu cầu họ hỗ trợ cho dự án của chúng tôi; họ lại đến chúng tôi yêu cầu hỗ trợ cho dự án của họ. Đó là một cái bắt tay tuyệt vời."


Về mặt âm nhạc mà nói, hai dự án này có nhiều điều khác biệt.


"Hầu hết các chủ đề được sử dụng trong '1975' là nhạc dân tộc Việt Nam và các bài dân ca dựa trên ngũ cung." Lê Văn Khoa nói. Ví dụ, tác phẩm của ông cần có nghệ sĩ độc tấu một nhạc cụ dây đơn có tên "độc huyền cầm" Một khác biệt nữa là nhạc phẩm 'Fire Water Paper' là một đại hòa tấu hợp xướng (oratorio).


"Mục đích của tôi là viết lịch sử không bằng lời. Nhiều người đã viết câu chuyện này dưới dạng sách, thơ, truyện, nghệ thuật và cả làm phim nữa. Bây giờ tôi đang cố gắng làm một cái gì đó bằng âm nhạc, tôi nghĩ ít ai nghĩ tới việc tái tạo lịch sử kiểu không lời - đó là một thách thức lớn." (LVK)

Theo Lê Văn Khoa, ông và Goldenthal thỉnh thoảng có gặp nhau trong quá trình chuẩn bị "Fire Water Paper" để nhà soạn nhạc người Mỹ "tìm hiểu âm nhạc cổ truyền Việt Nam". Vì lý do nào đó, ít thấy loại âm nhạc này có mặt trong "Fire Water Paper" - chắc chắn ít hơn những gì Goldenthal từ lâu đã cho rằng ông sẽ cố gắng kết hợp.


"Nhiều người nói với tôi họ lấy làm tiếc rằng ông ấy [Goldenthal] đã không sử dụng đủ âm nhạc Việt Nam", Lê nói. "Họ quan tâm tới quá trình làm việc của ông ấy, họ chú ý tới các cuộc hội học và bàn luận, sau đó họ nói không thấy nhiều âm hưởng nhạc phương Đông được trình bày trong đó. Thật đáng tiếc."


Nhưng Lê Văn Khoa vẫn nhìn thấy tác phẩm của Goldenthal có những ưu điểm.

Ông nói: "Điểm mạnh nhất của 'Fire Water Paper' là đã khiến khán giả xúc cảm," ông nói, "những điều chúng tôi - người Mỹ, người Việt Nam hay bất cứ quốc tịch nào - đều có điểm chung. Chúng ta đều có nỗi đau trong tim. Nếu chúng ta có thể nói ra, có thể bày tỏ, thì nỗi đau sẽ phần nào vơi đi."


Lê Văn Khoa áp dụng cách kể chuyện vào bản giao hưởng "1975" của ông:


"Tôi tái hiện giai đoạn thanh bình chúng tôi đã có, người dân sống trong sự sung túc. Rồi chiến tranh đến, đem tới tàn phá và đau khổ, người dân chạy tứ tán, họ chạy để giữ mạng sống, họ chạy ra khỏi đất nước... Đó là thảm kịch của người dân Việt Nam, tôi là một trong số họ."


"Trong hành âm khác, người dân vượt biển bằng thuyền, họ bỏ mình trên biển cả khi phải chống chọi với bão tố và cướp biển. Nhưng họ chết với niềm hy vọng tìm kiếm được một cuộc sống tốt đẹp hơn, sự thịnh vượng và an bình. Hành âm cuối tôi có ý định cho dàn hợp xướng nhập cuộc. Tôi muốn có một tiếng nói hân hoan, một tiếng nói của con người, nhưng chỉ trong phần kết thúc. Tôi sẽ tự viết lời ca."


Tại Việt Nam, Lê Văn Khoa đã điều khiển nhiều chương trình truyền hình, trong đó phổ biến nhất là "Thế Giới Của Trẻ Em", ông đóng vai Anh Khoa, một nhân vật được yêu mến ở Việt Nam cũng như Mister Rogers ở đây. Ông cũng đã viết khá nhiều sách về giáo dục trẻ em.


Kể từ khi đến Hoa Kỳ vào năm 1975, ông đã xuất hiện trong bộ phim "Alamo Bay" của Louis Malle về xung đột giữa người nhập cư Việt Nam và ngư dân Mỹ. Một số ảnh nghệ thuật của ông được trưng bày ở viện bảo tàng Baltimore Museum of Art.



Ông Lê Văn Khoa bắt đầu viết "1975" vào năm 1992. Hầu hết các đoạn nhạc, ngoại trừ phần kết finale chưa viết, đều đã hoàn thành trong tháng Mười Hai năm ngoái. Ông dự kiến sẽ hoàn thành hành âm cuối vào tháng Bảy tới và đã lên kế hoạch cho một buổi trình diễn tại hí viện La Mirada vào tháng Chín.


Ba hành âm được trình diễn ở đây, hành âm cuối ở đằng kia?


***


"Chúng tôi rất muốn trình diễn toàn bộ bản giao hưởng." Khoa nói. "Nhưng tôi không có tiền. Tôi phụ trách Project 20 trong nhiều tháng với mức lương tối thiểu, vì vậy tôi không thể làm được những điều tôi muốn làm. Nếu có người bảo trợ thì toàn bộ bản giao hưởng mới thực hiện nổi."


"Năm nay sẽ thích hợp vì là đúng 20 năm tròn người tị nạn Việt Nam sống ở Hoa Kỳ", ông nói "Nếu không làm được thì năm tới vậy."


***


Chú thích:

Dàn nhạc giao hưởng Pacific Symphony Institute Orchestra trình diễn một số trích đoạn bản "1975" của Lê Văn Khoa, cùng với các tác phẩm của Beethoven và Mahler, chiều nay tại Orange County Performing Arts Center, 600 Town Center Drive, Costa Mesa. Khai mạc lúc 3 giờ chiều - Miễn phí. (714) 755-5799.


***


Trịnh Bình An chuyển ngữ 2017

Để đọc nguyên tác Anh ngữ xin bấm vào đây


Elliot Goldenthal: Fire Water Paper - II. Scherzo

10 views
bottom of page