top of page

Welcome to our Blog

  • Writer's pictureVFC

Hai Bản Nhạc "Ánh Trăng"

Updated: Mar 5, 2018

Bản sonata viết cho đàn dương cầm của Ludwig van Beethoven cũng được gọi là Bản Sonata Ánh Trăng (tiếng Anh: Moonlight Sonata, tiếng Đức: Mondscheinsonate).

Moonlight Sonata (Beethoven)


Tên ban đầu do Beethoven đặt chỉ đơn giản là Sonata Quasi Una Fantasia (tạm dịch: Bản Sonata Tự Do - với "fantasia" có nghĩa không theo khuôn phép). Bản độc tấu piano nổi tiếng này được sáng tác năm 1801. Lúc ấy, nhạc sĩ Beethoven đã có những biểu hiện của triệu chứng điếc tai.


Tương truyền, cái tên Moonlight Sonata chỉ có vào năm 1830, khi nhà thơ lãng mạn người Đức Ludwig Rellstab viết một bài phê bình, trong đó ông so sánh những nét nhạc đầu tiên như một chiếc thuyền lững lờ trôi trên mặt hồ Lucerne lóng lánh ánh trăng của Thụy Sĩ.

Bản Moonlight Sonata ngay trong thời điểm ấy đã có cấu trúc và phong cách khác lạ. Hầu hết các Sonata thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 thường đi theo cấu trúc nhất định: Hành âm đầu tiên xác định rõ theo chủ đề; Hành âm thứ hai dịu dàng, và hành âm cuối cùng rộn rã.


Nhưng bản Sonate Ánh Trăng hoàn toàn ngược lại: Hành âm đầu tiên mơ màng; Hành âm thứ hai sống động hơn, và hành âm cuối cùng hoàn toàn biến động. Trong một buổi trình diễn, chính đoạn kết thúc cuồng nộ của bản Sonata này đã làm cho một số dây đàn piano đứt tung và vướng vào bộ gõ của đàn. Quả thực, trong những năm bắt đầu của bệnh điếc tai, Beethoven đã chơi piano một cách gần như vũ bão, có lẽ để nghe cho được rõ hơn?




Trăng là biểu tượng cho vẻ đẹp huyền ảo của Đông Phương.


Riêng đối với người Việt, ánh trăng dịu dàng, ngời sáng là hình ảnh của đất nước thanh bình và tình yêu đằm thắm.





Nguyễn Du tả sự hồn hậu của Thúy Vân qua câu thơ:

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.


Trăng cũng có thể buồn vì trăng cô lẻ trong đêm trường u tịch:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa ôm gối chiếc, nửa soi dặm đường


Trăng cũng có thể rất lộng lẫy, rất thiêng liêng như trong thơ Hàn Mặc Tử

Lạy Chúa tôi, vầng trăng cao giá lắm

Xin ban ơn bằng cách sáng thêm lên

Ánh thêm lên cho không gian rất đẫm

Linh hồn thơ mát rợn với hương nguyền.


Trăng xuất hiện trong rất nhiều ca khúc Việt Nam. Nổi tiếng là "Gạo Trắng Trăng Thanh" của Hoàng Thi Thơ, diễn tả cảnh nam nữ cùng làm việc bên nhau trên đồng quê miền Nam thanh bình. Hay ca khúc "Trăng Tàn Trên Hè Phố" của Phạm Thế Mỹ, diễn tả tình bạn thắm thiết của những thanh niên trong thời khói lửa. Tất cả, dù thôn quê hay phố thị, dù vui hay buồn, đều được chứng kiến qua ánh vàng lung linh của Trăng.


Và, lần đầu tiên, Trăng bước vào nhạc không lời...


Nhạc phẩm Dưới Ánh Trăng (Memories Album) của Lê  Văn Khoa qua âm điệu ngũ cung được trình bày bằng sáo tây và dàn nhạc giao hưởng.


In The Moonlight (Lê Văn Khoa)


Nhạc mở ra một vùng mênh mông với âm thanh trầm lắng. Đó có thể là vùng sông nước Hậu Giang nơi nhạc sĩ cất tiếng chào đời?


Đêm mênh mông, chỉ một ánh trăng sáng vằng vặc. Tiếng sáo cất lên cao vút như tâm tình ai da diết bởi đêm trăng! Tiếng vĩ cầm tỏa lan, nối tiếp không ngừng, không gian mở ra bao la. Giờ đây không chỉ một giòng sông mà là trăm nhánh Cửu Long Giang tỏa rộng. Tiếng dương cầm rải lung linh như ánh trăng lấp lánh trên sóng nước.


Bỗng, tiếng sáo không còn day dứt nữa, thanh âm bỗng trở nên ngọt ngào như ánh dương quang ấm áp. Vừng đông lộng lẫy từ mặt nước dần dần trồi lên, hào quang tỏa rạng. Một ngày mới, đang bắt đầu, tràn đầy sức sống và hy vọng.


***

Trịnh Bình An

Washington DC, 03.2018


331 views
bottom of page